Cận thị học đường – vấn đề không còn mới nhưng cũng chưa phải cũ. Đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ phát triển như hiện nay càng làm ảnh hưởng đến các vấn đề về mắt nhất là đối với giới trẻ.
Cận thị học đường ngày càng tăng
Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến ở mắt, thường dẫn đến khả năng thị lực kém. Người bị cận thị không thể nhìn rõ các vật ở xa. Đặc biệt tật cận thị hay gặp nhất ở lứa tuổi học sinh, còn gọi là cận thị học đường.
Các em học sinh khi bị cận thị học đường gặp trở ngại trong việc nhìn xa. Các bé thường phải cố gắng điều tiết mắt để thấy rõ các chi tiết. Trình trạng cận thị học đường ngày gia tăng khi ta nhìn thấy hình ảnh các em học sinh đeo kính kính ngày càng nhiều.
Ước tính ở nước ta hiện có gần 3 triệu trẻ em độ tuổi 0-15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần chỉnh kính. Trong đó tỉ lệ cận thị chiếm tới 2/3, chủ yếu tập trung ở đô thị.
Ở các khu vực nông thôn và miền núi, tỉ lệ cận thị 15-20%. Ở khu vực này, do điều kiện y tế và vật chất khó khăn nên cận thị tiến triển nhanh và thường rất nặng. Vì ít được điều trị đúng cách và chỉnh kính cẩn thận.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị cận thị học đường
Theo các nghiên cứu, tật cận thị học đường, đặc biệt ở các lứa tuổi càng nhỏ, việc phát hiện và điều trị sớm càng giúp cho mắt các bé được chăm sóc đúng cách tốt hơn, tránh bị tăng độ.
Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng hiểu và nắm bắt được các thông tin và nhận ra các dấu hiệu của trẻ khi bắt đầu các triệu chứng bị cận thị học đường.
Hãy chú ý những dấu hiệu sau ở con để nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời nhé:
- Cầm sách rất gần mắt khi đọc,
- Khi xem tivi dần dần càng tiến lại gần tivi,
- Khi bị nhắc nhở, trẻ than phiền nhìn xa không rõ
- Bất giác thường nheo mắt khi nhìn
- Kém tập trung hoặc hoạt động chậm
- Chớp mắt hoặc dụi mắt liên tục khi nhìn lâu
- Nghiêng đầu để dùng một mắt nhiều hơn mắt kia.
Những nguyên nhân chính gây cận thị học đường
Tật cận thị học đường dù được biết đến và được cảnh cáo từ lâu, nhưng hàng năm theo các số liệu thống kê vẫn không ngững tăng cao. Vậy nguyên nhân vì đâu?
Theo các đánh giá và phân tích của các chuyên gia, lý do chính xuất phát từ sự phát triển của đời sống công nghệ, thói quen sinh hoạt, môi trường sống và sức ép học tập ngày càng tăng cao.
Những nguyên nhân gây cận thị học đường phổ biến nhất hiện nay
- Ánh sáng nơi học tập cũng như trong môi trường sống của các em chưa đủ sáng, khiến cho mắt phải hoạt động quá tải để nhìn các vật. Nhất là khi mắt các em vẫn chưa phát triển hoàn thiện, rất dễ và rất nhanh bị ảnh hưởng tiêu cực.
- Tư thế ngồi học: Đa phần các bé khi mới đi học, nếu không được thường xuyên nhắc nhở, thường bị ngồi sai tư thế trong các giờ học, nhất là khi viết bài hay làm bài tập. Thêm vào đó, bàn ghế học tập không phù hợp với tầm vóc của học sinh, cũng trở thành nguyên nhân, không chỉ khiến con bị hỏng mắt mà còn ảnh hưởng đến cả cột sống của con.
- Sự phát triển của các thiết bị điện tử, các món đồ chơi công nghệ. Trẻ tiếp xúc với Tivi, điện thoại, máy tỉnh bảng, máy tính, laptop từ quá sớm, khi mắt chưa phát triển hoàn thiện và được bảo vệ tốt nhất, sóng điện từ, cũng như ánh sáng biến đổi liên tục từ các thiết bị này gây tác hại cực kì nghiêm trọng đến mắt trẻ. Thời đại ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển chóng mặt thì đây chính là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ cận thị học đường ngày càng tăng.
Những nguyên nhân gây cận thị học đường ít ai ngờ đến
- Yếu tố di truyền cũng là 1 trong những nguyên nhân gây cận thị cho trẻ. Có thể bạn chưa biết, nhưng theo 1 nghiên cứu, nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con cái là 100%.
- Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến tật cận thị học đường ít ai ngờ đến. Đó là thiếu ngủ hoặc ít ngủ. Trẻ từ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi là giai đoạn các em phát triển rất nhanh, ngày càng có nhiều hoạt động hơn trong 1 ngày. Nếu thời gian ngủ quá ít, mắt không được nghỉ ngơi đúng nhu cầu tự nhiên, dễ gây cận thị.
Xem thêm: Những nguyên nhân gây cận thị phổ biến nói chung
Những nhầm tưởng của nhiều người khi bị cận thị học đường
“Đeo kính nhiều sẽ bị phụ thuộc vào kính, do vậy không nên đeo kính!”
Đây là lầm tường tai hại ở nhiều người. Đặc biệt là những người bị cận nhẹ.
Người bị cận thị mắt nhìn kém, cần đeo kính để tăng chức năng thị giác, tăng chất lượng cuộc sống. Không đeo kính sẽ làm chức năng thị giác kém phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ dễ làm rối loạn phát triển thị giác hai mắt.
Việc đeo kính ở người bị cận thị là điều hoàn toàn cần thiết. Đặc biệt cần quan tâm và thăm khám thường xuyên để luôn đeo kính đúng độ là điều rất quan trọng.
Bạn cũng có thể cho trẻ bỏ kính trong những khoảng thời gian ngắn nhất định để cho mắt đỡ mỏi và tập luyện cho mắt, nhưng không thể không đeo kính nhé.
“Chỉ cần đeo kính khi nhìn xa, nhìn gần thì có thể không đeo cũng được.”
Quan điểm này có thể nói là không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng.
Thực ra thì mắt cận thị muốn nhìn rõ được vật thì phải đưa lại gần sát mắt, gần hơn nhiều so với người bình thường. Đặc biệt khi cận thị trung bình và nặng. Đeo kính cận thường xuyên giúp chức năng nhìn của mắt trở về gần như người bình thường, khiến mắt không phải cố gắng nhìn quá nhiều.
Đeo kính và giữ khoảng cách đúng khi học tập với sách vở, máy tính sẽ giúp mắt trẻ không rơi vào tình trạng tăng độ do thói quen nhìn gần.
Cách phòng tránh cận thị học đường ở trẻ
Đọc đến đây, chắc hẳn cha mẹ nào cũng muốn giúp con phát triển tốt nhất, tránh bị cận thị và các nguy cơ bị cận thị.
Những biện pháp phòng tránh và hạn chế tác động của môi trường sống khiến trẻ bị cận thị
Trước tiên, bạn nên đảm bảo cố gắng hạn chế tốt nhất các tác động và các nguyên nhân khiến cho trẻ bị cận thị học đường kể trên, ngay trong môi trường sống và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
- Chú ý đến ánh sáng trong môi trường sống của gia đình bạn, cũng như góc học tập của con. Phòng học hay nơi vui chơi nên có cửa sổ để có được lượng ánh sáng tự nhiên. Nếu lắp đèn điện, nên sử dụng đèn có ánh sáng trắng, đủ cường độ sáng cho toàn bộ không gian.
- Nhắc nhở và tập cho trẻ thói quen đọc và viết đúng khoảng cách quy định. Khoảng cách đọc sách và viết với học sinh lớn là 30-40cm. Học sinh nhỏ tuổi đọc cách khoảng 25cm. Cho trẻ ngồi đúng tư thế với việc mua sắm bàn học phù hợp, vừa vặn với chiều cao cuẩ trẻ.
- Bạn cần tránh cho con nằm khi đọc sách vì điều đó sẽ gây ra hiện tượng mắt khó khăn khi quy tụ, điều tiết, rất dễ mỏi và nhức mắt. Thêm vào đó, tránh để trẻ đọc sách khi đi tàu xe vì khoảng cách đọc bị thay đổi liên tục khi rung lắc rất có hại cho mắt.
- Hạn chế để con tiếp xúc với các thiết bị điện từ như điện thoại di động, laptop, tivi, máy tính bảng… Có thể giới hạn cho con xem truyền hình với thời lượng vừa phải khoảng một tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó cần dặn con phải ngồi xa tivi, ở khoảng cách gấp 4 lần đường chéo của màn hình và không tắt đèn khi xem.
Những biện pháp bổ trợ cho mắt của trẻ ở tuổi học đường phát triển tốt
Tiếp đó hãy chú ý, quan tâm chăm sóc mắt cho trẻ phát triển tốt nhất bằng các biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả tốt.
Dưới đây là một vài gợi ý mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo để phòng tránh cho con mình khỏi bị tật cận thị học đường, đặc biệt ở những giai đoạn nhỏ tuổi.
- Khuyến khích con thường xuyên ra ngoài chơi để được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều hơn, cũng như để con tránh xa các thiết bị điện tử gây hại cho mắt.
- Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động của mắt. Và cũng giúp cải thiện các chức năng hoạt động của mắt. Các vi chất như vitamin A, E, C, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá biển, trứng giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hoá võng mạc và hoàng điểm của mắt.
- Nếu có điều kiện, bạn nên cho con khám mắt định kì. Khám thị lực và xác định tật khúc xạ (cận thị) định kỳ để có thể xác định được sớm và đề xuất giải pháp xử trí kịp thời, để mắt không bị cận nặng hơn.
Hy vọng những thông tin bổ ích phía trên sẽ giúp bạn cùng con đón 1 mùa khai giảng năm học mới thành công. Hạn chế những tác nhân xấu có thể khiến trẻ bị cận thị trong lứa tuổi học đường.